7 bước cần trải qua để thành công trong quá trình ứng tuyển giáo viên

7 bước cần trải qua để thành công trong quá trình ứng tuyển giáo viên

Có rất nhiều công việc cần chuẩn bị để có thể thành công trong quá trình tuyển giáo viên và có được vị trí công việc giảng dạy đầu tiên. Bắt đầu từ tìm kiếm các cơ hội việc làm, cách viết CV hoàn hảo và chuẩn bị phỏng vấn.

1. Tìm việc làm ở đâu

Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm việc làm của mình ở:

  • Ngày hội tuyển dụng việc làm tại các trường Sư phạm

+ Một số trường có liên hệ với các cơ sở giáo dục, các nhà tuyển dụng và có thông báo tuyển dụng đến từng khóa nơi bạn đang học. Hãy theo dõi và nắm bắt lấy các cơ hội đó.

+ Một số trường phổ thông có nhu cầu tuyển thực tập sinh, giáo viên thực tập hay phó chủ nhiệm… họ cũng nhận sinh viên năm cuối. Đây là cơ hội để bạn có thể vừa kết hợp được việc đi thực tập cuối khóa vừa làm quen và nắm bắt cơ hội việc làm.

+ Một số giảng viên của trường đại học có mối quan hệ với các nhà tuyển dụng là các trường học. Họ có thể tư vấn và giới thiệu những cơ hội việc làm cho bạn.

  • Các trung tâm tư vấn nghề nghiệp và dịch vụ việc làm:

– Website: www.taonhansu.com thuộc Dự án đào tạo hỗ trợ giáo viên, là website hàng đầu trong việc giới thiệu, cập nhật các thông tin tuyển dụng, kết nối giáo viên với các nhà trường và tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm.

– Các website về nhân sự nói chung (Vietnamwork, Vieclam24h, Jobgo,…) bạn cũng có cơ hội tìm được các công việc giảng dạy ở các trường chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

  • Thông báo tuyển dụng chính thức các cơ quan nhà nước (thuộc hệ thống giáo dục công): Nếu bạn mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học trở về quê làm việc, hãy lưu ý đến website và các mối quan hệ với Sở giáo dục, Sở nội vụ, Phòng giáo dục, Phòng nội vụ và Ủy ban nhân dân huyện,…
  • Báo chí và các thông tin trên mạng xã hội. Một số trường cũng đăng thông tin tuyển dụng giáo viên trên các báo và tạp chí (số lượng rất ít) hoặc các cá nhân đăng thông tin trên các group tuyển giáo viên trên mạng. Đây cũng là kênh bạn có thể lưu ý khi tìm việc.
  • Website của các trường phổ thông: Đối với trường tư thục và dân lập, các vị trí tuyển dụng được đăng tuyển trên chính website và fanpage của trường đó.

2. Cách tìm trường phù hợp với bạn

  • Bắt đầu tìm kiếm sớm thường bắt đầu vào khoảng tháng 12 hàng năm.
  • Suy nghĩ về những điều bạn mong muốn địa điểm làm việc, quy mô của trường, loại hình trường bạn muốn làm việc.
  • Đến thăm bất kỳ trường học mà bạn sẽ phỏng vấn, vì điều này sẽ giúp bạn có được cảm giác về trường và tìm hiểu xem nó có phù hợp với bạn không.

3. Chuẩn bị hồ sơ giảng dạy

Nếu bạn không chuẩn bị sẽ khó tìm được một công việc phù hợp. Thông thường bạn sẽ phải gửi một mẫu đơn xin việc hoặc CV sau đó gặp gỡ với phòng nhân sự hoặc ban giám hiệu.

Việc xây dựng một Hồ sơ giảng dạy là khá khó khăn với các bạn trẻ khi mới ra trường nhưng nó giúp các bạn có thêm kinh nghiệm trong việc thu thập bằng chứng chứng minh cho chuyên môn và năng lực của bạn.

Bạn có thể gửi hồ sơ của mình đến nhiều trường khác nhau để đảm bảo có nhiều cơ hội hơn. Đối với mỗi trường, cần viết lại CV sao cho phù hợp, không nên dùng một hồ sơ nộp cho nhiều trường khác nhau.

4. Ứng tuyển các vị trí giảng dạy

Hầu hết các trường bắt đầu đăng thông tin tuyển dụng từ tháng 12 và kéo dài cho đến đầu năm học mới của năm sau.

Thời gian tuyển dụng tập trung khoảng từ sau tết Âm lịch cho đến trước kì nghỉ hè (tháng 6), có một số trường tuyển giáo viên trong hè.

Cần lưu ý rằng quảng thời gian này trôi qua rất nhanh nếu bạn không chuẩn bị tìm hiểu trước. Bên cạnh đó đây cũng là thời điểm sinh viên tập trung vào thực tập và khóa luận tốt nghiệp nên không chú ý đến việc tuyển dụng, hoặc chưa có bằng tốt nghiệp. Nhưng đến khi sinh viên nhận được tấm bằng thì các đợt tuyển dụng đã qua đi và các bạn phải chờ thêm 1 năm nữa.

Một số trường cho phép giáo viên nộp hồ sơ quanh năm, hãy nhanh chóng gửi CV của bạn (kể cả khi bạn chưa có bằng tốt nghiệp) để đảm bảo tên bạn đã nằm trong danh sách chờ liên hệ phỏng vấn.

Đối với các bạn muốn làm việc trong các trường công, cần tìm hiểu xem năm đó nhà trường có giáo viên về hưu không? Có nhu cầu tuyển thêm giáo viên không? Có chỉ tiêu tuyển viên chức không?

Bạn nên tham khảo các dịch vụ tư vấn, kết nối nghề nghiệp để biết chính xác những gì nhà tuyển dụng yêu cầu và những điều bạn cần phải chuẩn bị.

5. Triết lí giảng dạy cá nhân 

Nhiều trường hiện nay yêu cầu giáo viên viết đơn ứng tuyển. Vậy nên viết điều gì trong thư này? Bạn cần phải:

  • Điều chỉnh đơn xin việc sao cho phù hợp.
  • Đến trường nộp đơn trực tiếp vì nhiều nhà tuyển dụng xem đây là một phần của quy trình xin việc và có thể giúp bạn xem bạn có muốn làm việc ở đó không
  • Chỉnh sửa thật kĩ để đảm bảo không có lỗi chính tả
  • Đảm bảo trong CV không có khoảng trống (thất nghiệp) nếu có hãy tìm cách giải thích hợp lí khi nhà tuyển dụng hỏi.
  • Chia sẻ về những kỹ năng kinh nghiệm nổi bật và khả năng tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
  • Thể hiện niềm đam mê giảng dạy
  • Chứng minh cho những thành công mà bạn đã đạt được…

Trong thư bạn cũng nên đề cập tới Triết lý giảng dạy của cá nhân mình. Viết triết lý giảng dạy cá nhân không nên quá dài, khoảng 1 trang A4 để nói lên Bạn là ai; Vì sao bạn muốn làm giáo viên; Những giá trị nghề nghiệp mà bạn tin tưởng và theo đuổi là gì; Bằng chứng cho những gì bạn tuyên bố…

6. CV của bạn

Điểm chung của CV là phải rõ ràng, dễ đọc và được sắp xếp hợp lí.

CV nên dài hay ngắn? Điều này còn tùy thuộc vào từng nhà tuyển dụng và cá nhân bạn. Nhưng hãy nhớ rằng các nhân viên tuyển dụng của các trường học thường rất bận rộn. Hãy viết những điều nổi bật nhất của bạn và kèm theo minh chứng cho nó hơn là viết những điều chung chung vô thưởng vô phạt.

Trong CV giảng dạy của bạn, hãy nêu bật trình độ và kinh nghiệm bạn đã đạt được, bao gồm:

  • Chi tiết về quá trình đào tạo và bằng cấp mà bạn có.
  • Các khóa học bên ngoài mà bạn đã tham gia (có bằng chứng kèm theo)
  • Kinh nghiệm giảng dạy bạn có (thực tập, làm tình nguyện viên,…) và bất kỳ trải nghiệm nào liên quan đến giảng dạy ví dụ: huấn luyện viên thể thao, trại hè hoặc nhóm thanh thiếu niên…
  • Các năng khiếu hỗ trợ cho việc giảng dạy, ví dụ: khả năng âm nhạc hoặc các hoạt động thể thao
  • Các kỹ năng sẽ hữu ích trong vai trò giáo viên ví dụ: lãnh đạo, CNTT và ngôn ngữ

7. Phỏng vấn xin việc

Hãy đến thăm trường trước, lên kế hoạch cho bài dạy thử, chuẩn bị tốt và đừng hoảng sợ – nếu bạn được mời phỏng vấn, bạn là một ứng cử viên đang rất có tiềm năng. Trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể sẽ phải:

  • Tham quan hoặc phỏng vấn học sinh ở trường – điều này sẽ cho thấy bạn sẽ xây dựng mối liên hệ như thế nào với học sinh.
  • Làm việc với các bài kiểm tra và bài tập cho học sinh để hiểu được cách giảng dạy và đánh giá của trường.
  • Các bài kiểm tra về IQ, công nghệ thông tin hoặc tiếng Anh. Một số trường hợp sẽ thi cả chuyên môn của môn học mà bạn sẽ giảng dạy.
  • Trình bày / giảng dạy hoặc lên kế hoạch cho một bài học ngắn.
  • Trả lời các tình huống sư phạm.

Tham khảo: Nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì trong cuộc phỏng vấn giáo viên?

Bạn có thể chuẩn bị bằng cách:

  • Thu thập các ví dụ từ lớp học mà bạn đã trải nghiệm để thấy được quan điểm, cách tiếp cận và kinh nghiệm của bạn.
  • Đọc lại đơn xin việc và triết lí giáo dục của bạn.
  • Cập nhật các thông tin về các vấn đề giáo dục hiện tại.
  • Nắm rõ về chương trình giảng dạy của bộ môn và của các môn học khác có liên quan.
  • Lập kế hoạch trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn.
  • Thực hành tham gia cuộc phỏng với một giáo viên / nhà tuyển dụng / trung tâm tư vấn nghề nghiệp.
  • Chuẩn bị câu hỏi sẵn sàng để hỏi về trường học bạn đang ứng tuyển.

Bạn cần lưu ý không nên làm một số điều sau:

  • Thiếu chuẩn bị, tranh luận tay đôi với nhà tuyển dụng.
  • Chỉ trích, nói xấu, phê phán một trường học hoặc cơ quan khác.
  • Khiêm tốn quá mức, tự hạ thấp thành tích của bạn. Nhớ rằng cuộc phỏng vấn này là thời gian để tự tin về khả năng của bạn
  • Độc thoại, nói quá nhiều – hãy nhớ rằng một cuộc phỏng vấn là một cuộc đối thoại
  • Quên chia sẻ các ví dụ thực tiễn về kinh nghiệm giảng dạy.

Trong quá trình phỏng vấn:

  • Giọng nói tự tin nhưng không kiêu ngạo
  • Hành động một cách chuyên nghiệp từ khi bạn bước chân vào trường (ăn mặc, đúng giờ, cách giao tiếp,…) thời điểm bạn vào trường
  • Hãy thành thật đừng nói dối.

– Táo Nhân Sự – Tuyển dụng giáo viên Việt Nam

 

 

Related Posts

Leave a Comment