Mỗi loại trường một phong cách giảng dạy: Tìm trường phù hợp với bạn

Ngày nay có nhiều mô hình trường học cùng tồn tại: trường công lập, trường tư thục, trường bán công, trường quốc tế… Bạn cần xác định loại hình trường nào phù hợp với phong cách giảng dạy của bản thân cũng như lí do khiến bạn làm công việc tại ngôi trường đó. Các loại hình trường này có sự khác biệt nhau khá lớn, và hãy đọc bài viết này trước khi lựa chọn để chắc chắn bạn đã có quyết định thích hợp nhất.

Tôi đã từng học ở một trường công, trường tư thục, trường chuyên suốt thời trung học. Tôi cũng từng học trường tư ở cấp Đại học và Cao học. Nhưng khi lựa chọn loại trường nào để bắt đầu sự nghiệp và mang lại những điều tốt nhất cho học sinh, tôi biết tôi muốn dạy ở khu vực nông thôn, thu nhập thấp hoặc môi trường đa văn hóa. Nếu bạn không chắc chắn về loại hình trường nào sẽ phù hợp với bạn, dưới đây là một vài điều mà tôi đã học được.

  1. Trường công: Sự nhàn hạ tương đối và phức tạp của các mối quan hệ

Một trong những lí do khiến bạn chọn trường công là sự nhàn hạ của công việc (tôi phải nói thành thật là như thế) nơi mà mọi người phần lớn không phải làm đủ 8 giờ với mỗi tuần 17 tiết. Cũng có nhiều người nói rằng, dạy học ở trường công còn phải làm nhiều hơn công việc hơn thế rất nhiều từ sổ sách giấy tờ đến áp lực về bài vở. Nhưng tôi vẫn phải nói lại rằng, so với loại hình trường tư thì làm việc ở trường công vẫn nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Khi làm việc ở trường công bạn có thể có một môi trường làm việc khá ổn định với một mức lương không được cao nhưng đừng lo vì hầu như các thầy cô giáo cũng sẽ có thêm những khoản thu nhập khác ngoài lương, nó đến từ các công việc nhận làm thêm ở trường (làm chủ nhiệm, dạy thêm) hoặc các công việc khác mà bạn làm ngoài công việc giảng dạy.

Ở trường công, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những yêu cầu của công việc (cũng khá căng thẳng đó) nhưng nó sẽ vượt qua nhanh thôi. Bạn sẽ mất 3 năm đầu vất vả, sau khi đã trở thành “ma cũ” bạn sẽ thành thạo mọi “ngóc ngách” trong công việc và có thể đối phó với nó một cách khá dễ dàng. Từ việc soạn bài cho đến viết sáng kiến kinh nghiệm, việc sổ sách giấy tờ cho đến thi giáo viên giỏi, tham dự hội giảng,…Bạn sẽ có những công việc giống nhau và lặp đi lặp lại qua các năm.

Nhưng có một vấn đề ở trường công khiến bạn cần phải cân nhắc, đó là sự phức tạp trong các mối quan hệ. Không nghi ngờ gì nữa, bạn là “ma mới” và có thể bị “bắt nạt” một cách dễ dàng. Bạn như một sinh linh yếu ớt trước muôn vàn tai bay vạ gió đến từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. Bạn có thể gặp một phụ huynh còn quyền lực hơn cả hiệu trưởng. Bạn có thể bị đồng nghiệp “chơi xấu”, bị ban giám hiệu bắt nạt,… Những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp và bạn cần phải hết sức khéo léo để có thể “sống sót”. Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng, vì các đồng nghiệp của bạn chẳng phải vẫn đang tiếp tục công việc giảng dạy đó sao.

  1. Trường quốc tế: Lương cao và nguồn lực dồi dào

Bạn tôi đã từng giảng dạy ở một ngôi trường hiện đại với học phí rất cao. Khuôn viên trường của tôi tràn ngập các khu vườn, các khu trưng bày nghệ thuật và kiến trúc. Hầu hết học sinh trong lớp xuất thân từ gia đình thượng lưu – con của các tổng thống, các CEO trong danh sách Fortune 500 hay các nhà ngoại giao nước ngoài. Giáo viên có sự hỗ trợ trong mọi hoạt động từ in ấn tài liệu cho đến thiết kế tổ chức các hoạt động ngoại khóa,… Bạn cũng có một khoản thu nhập khá hấp dẫn, một mức lương giúp bạn có được kì nghỉ cuối tuần ở một tỉnh khác hoặc các chuyến du lịch nước ngoài (nếu bạn biết tiết kiệm).

Nhưng khi làm việc ở trường tư cũng có nghĩa là phải chấp nhận một áp lực công việc căng thẳng, nặng nề. Bạn tôi phải thức dậy và bắt đầu công việc từ 8h và kết thúc vào 6h tối, không có thời gian nghỉ trưa, phải trực giờ chơi của học sinh, phải chấm bài và liên hệ với phụ huynh và quan trọng nhất là phải chịu trách nhiệm trước nhà trường về mọi vấn đề xảy ra trong lớp học.

Trong một số trường quốc tế, bạn phải thành thạo tiếng Anh, có năng lực giao tiếp với người nước ngoài, có những hiểu biết cơ bản về văn hóa của các quốc gia khác. Trong một số trường hợp bạn phải biết hợp tác trong việc xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy vì những thứ đó không hề có sẵn như ở trường công.

  1. Các trường tư: cũng dễ mà cũng lại khó

Một người bạn khác của tôi cũng đã từng giảng dạy trong một trường tư thục ở Hà Nộinhưng mức lương và tiềm năng phát triển ở đây khiến cô ấy mong muốn được chuyển sang một môi trường khác. Lý do, ở môi trường này, bạn vừa có những yêu cầu của trường công lại vừa có những yêu cầu giống như một mô hình trường quốc tế. Ở đây về cơ bản chương trình giảng dạy cũng giống với trường công (một số trường có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn tùy mô hình). Trong trường tư, bạn bị kẹp vào một thế khó là áp lực chương trình nặng nề, trong khi trình độ học sinh hạn chế và kì vọng cao của phụ huynh. Thành thực mà nói, trong trường tư, học sinh không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn (nhiều em không được nhận vào các trường công lập). Vì thế giáo viên vừa phải chịu trách nhiệm về vấn đề giảng dạy cũng đồng thời phải lo lắng về cả vấn đề liên quan đến hành vi của học sinh.

Ngày làm việc ở các trường tư cũng dài hơn ở trường công, giáo viên và học sinh thường bị kiệt sức bởi việc dạy thêm, kèm cặp học sinh hoặc giải quyết các vấn đề về hành vi. Mức lương ở các trường tư tuy không cao bằng các trường quốc tế nhưng vẫn cao hơn so với các thầy cô ở trường công lập. Hầu hết các trường tư đều có mức lương cao hơn các trường công lập truyền thống. Tuy nhiên tính ổn định trong công việc, sự bấp bênh vì nguy cơ bị sa thải cũng luôn hiện hữu. Các trường tư luôn đòi hỏi giáo viên phải cố gắng và nỗ lực, điều đó có nghĩa nếu bạn dừng lại bạn sẽ không được kí hợp đồng trong những năm tiếp theo. Đó là chưa kể, ở các trường tư với những môn học mới được đưa vào chương trình giảng dạy buộc giáo viên phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ.

Bạn không cần phải ngay lập tức tìm ra loại trường nào phù hợp với phong cách giảng dạy của mình. Bạn có thể cần phải trải qua vị trí tại một vài loại trường khác nhau trước khi tìm ra được nơi làm việc thích hợp nhất. Và sẽ luôn luôn có những sự đánh đổi mà bạn cần phải biết và chấp nhận. Không hệ thống nào là hoàn hảo, nhưng chỉ có một điều là chắc chắn: khi bạn tìm ra sự phù hợp nhất, bạn sẽ biết điều đó, và cả bạn và học sinh của bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc với điều bạn đang làm.

Táo Nhân Sự – Tuyển dụng giáo viên Việt Nam

Leave a Comment