7 bước để có được công việc giảng dạy mơ ước
Lần đầu làm quen với công việc giảng dạy là điều không mấy dễ dàng. Bạn sẽ mất khá nhiều thời gian, phải làm việc cật lực và cần rất nhiều sự kiên nhẫn trước khi chắc chắn rằng mình có bằng cấp thích hợp và nắm được những thông tin quan trọng cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Khi những thủ tục đó đã xong xuôi, bạn hãy làm theo những lời khuyên sau đây để có thể thích ứng với công việc mới.
7 BƯỚC ĐỂ KIẾN TẠO SỰ NGHIỆP MƠ ƯỚC
Thực hiện 7 bước sau và bạn sẽ sớm trở thành chuyên gia trong công việc giảng dạy đầu tiên của mình.
Bước 1: Viết đơn xin việc
Hồ sơ xin việc luôn là yếu tố quan trọng nhất thu hút sự quan tâm của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi nhà tuyển dụng phải xem cả một chồng hồ sơ xin việc, bạn nghĩ mình có đủ nổi bật? Đó là lý do tại sao đơn xin việc đính kèm với hồ sơ của bạn là rất cần thiết. Nó giúp nhà tuyển dụng thấy được họ có nên đọc hồ sơ của bạn hay không. Điều quan trọng là phải viết sao cho phù hợp với công việc cụ thể mà bạn đang ứng tuyển. Đơn xin việc nên nêu bật những thành tích của bạn và giải thích những điều mà hồ sơ xin việc chưa đề cập đến. Nếu bạn có chứng chỉ giảng dạy đặc biệt, bạn có thể thêm vào đó. Hãy chắc chắn rằng bạn có đề xuất một cuộc phỏng vấn ở cuối bức đơn xin việc; điều này sẽ cho họ thấy rằng bạn đã quyết tâm nhận công việc đó.
Bước 2: Viết hồ sơ xin việc
Một hồ sơ xin việc được viết cẩn thận không chỉ thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng mà còn cho họ thấy rằng bạn là một ứng cử viên đủ điều kiện cho công việc.
Hồ sơ xin việc của giáo viên nên bao gồm: bản sao chứng minh thư, các loại bằng cấp và chứng chỉ, kinh nghiệm giảng dạy, các kinh nghiệm liên quan, năng lực chuyên môn và các kỹ năng liên quan. Bạn có thể bổ sung một số mục như: hoạt động, đã hoặc đang là thành viên của tổ chức nào, mục tiêu nghề nghiệp hoặc danh hiệu và giải thưởng mà bạn nhận được nếu bạn muốn. Một số nhà tuyển dụng tìm kiếm những “từ khóa” trong hồ sơ xin việc để xem bạn có hiểu rõ công việc mà mình ứng tuyển không.
Các từ này có thể bao gồm: học tập hợp tác, học tập thực hành, tri thức cân bằng, học tập dựa trên khám phá, thang phân loại của Bloom, tích hợp công nghệ, sự hợp tác và tạo điều kiện học tập. Nếu bạn sử dụng những từ này trong hồ sơ và cuộc phỏng vấn của mình, nhà tuyển dung sẽ thấy bạn nắm chắc những vấn đề trong lĩnh vực giáo dục.
Bước 3: Sắp xếp hồ sơ giảng dạy
Một hồ sơ giảng dạy chuyên môn rất phù hợp để trình bày các kỹ năng và thành tích của bạn dưới dạng cụ thể. Đó là một cách thể hiện năng lực tốt nhất với các nhà tuyển dụng tiềm năng chứ không chỉ là một lá đơn xin việc đơn giản. Ngày nay nó là một thành phần thiết yếu trong quá trình phỏng vấn. Nếu bạn muốn làm việc trong lĩnh vực giáo dục, hãy chắc chắn rằng bạn đã biết lập hồ sơ giảng dạy.
Bước 4: Xin thư giới thiệu
Khi ứng tuyển bất cứ vị trí nào trong lĩnh vực giáo dục, bạn sẽ phải cung cấp một số thư giới thiệu. Những lá thư này nên đến từ các chuyên gia đã từng dạy bạn trong lĩnh vực giáo dục chứ không phải từ một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Các chuyên gia mà bạn nên xin thư giới thiệu có thể là giáo viên ở trường phổ thông mà bạn thực tập hoặc giảng viên hướng dẫn trên trường đại học. Nếu cần thêm giấy tờ chứng nhận, bạn có thể xin ở các tổ chức giáo dục mà bạn đang làm việc.
Hãy chắc chắn rằng những giấy tờ đó có giá trị, nếu bạn nghĩ rằng chúng không có hiệu lực pháp lí thì đừng sử dụng.
Bước 5: Làm tình nguyện
Làm tình nguyện cho địa phương mà bạn muốn ứng tuyển là cách tốt nhất để chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng. Xin phép chính quyền cho bạn đến làm việc ở khu ăn trưa (trường học luôn cần sự trợ giúp ở đây), thư viện hoặc các lớp học. Ngay cả khi bạn chỉ đến trường một tuần một lần, đó cũng là một cách tuyệt vời để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự nỗ lực để được làm ở đây.
Bước 6: Đi trợ giảng
Một trong những cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của các giáo viên khác và chính quyền là xin làm trợ giảng ở trường bạn muốn dạy. Làm trợ giảng là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu môi trường mà bạn ứng tuyển và làm quen với đội ngũ nhân viên ở đó.
Sau đó, khi đã tốt nghiệp, bạn có thể nộp đơn xin dạy ở các trường mà bạn đã trợ giảng và liên hệ với các giáo viên quen biết để được hỗ trợ. Lưu ý: Làm cho mình một danh thiếp, trong đó có ghi các chứng chỉ của bạn và gửi cho các giáo viên mà bạn từng hợp tác.
Bước 7: Có chứng chỉ đặc biệt
Nếu bạn thực sự muốn nổi bật hơn trong đám đông thì bạn nên có chứng chỉ giảng dạy chuyên biệt. Chứng chỉ này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm đáp ứng công việc. Nhà tuyển dụng sẽ hài lòng vì kiến thức của bạn có thể giúp nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Nó cũng tạo cơ hội cho bạn ứng tuyển được nhiều vị trí hơn.
Janelle Cox
– Táo Nhân Sự – Tuyển dụng giáo viên Việt Nam